KHÁI QUÁT VỀ VÙNG ĐẤT XÃ KIM THÀNH
KHÁI QUÁT VỀ
VÙNG ĐẤT XÃ KIM THÀNH
1. Vị trí địa lý, địa hình
Kim Thành là xã miền núi nằm về phía Tây Bắc huyện
Yên Thành. Phía Đông giáp xã Phúc Thành, Hùng Thành; phía Tây giáp xã Quang
Thành; phía Nam giáp xã Đồng Thành; phía Bắc giáp xã Lăng Thành và xã Nghĩa
Dũng (huyện Tân Kỳ). Xã có tổng diện tích tự nhiên là 2.397,99 ha.
Xã Kim Thành có địa hình lòng chảo, bao bọc xung
quanh là núi cao, ở giữa là thung lũng thấp. Vùng đồi núi cao gồm các dãy: Động
Huyệt (cao 301m), Động Nhạn (cao 237 m). Ngoài ra, xã còn có một số dãy núi thấp
khác nằm rải rác trên địa bàn.
Vùng thung lũng là những cánh đồng nhỏ hẹp rải
rác dười chân núi, đồi. Đây là diện tích chủ yếu để nhân dân sản xuất nông nghiệp
đặc biệt là trồng lúa.
Kim Thành không có sông nhưng do diện tích đồi
núi nhiều nên nhân dân đã biết ngăn dòng chảy từ các con khe thành hồ đập để dự
trữ nước tưới phục vụ sản xuất. Hiện nay, trên địa bàn xã có 17 hồ đập lớn nhỏ,
đáp ứng khoảng 70% nhu cầu nước tưới tiêu cho các cánh đồng.
2. Khí hậu
Kim Thành nằm trong vùng khí hậu Bắc Trung bộ mang đặc điểm chung
là nhiệt đới gió mùa, nắng lắm mưa nhiều. Nhiệt độ trung bình hàng năm là 23,60C.
Số giờ nắng trong năm từ 1.580 - 1.600 giờ. Độ ẩm là 80%. Lượng mưa trung bình
1.600 mm. Mỗi năm xã có hai mùa rõ rệt: Mùa nóng bắt đầu từ tháng 4 đến tháng
10, nhiệt độ cao nhất lên 400C, tập trung vào tháng 6, 7. Trong mùa
này có gió Tây Nam (gió Lào) thổi từ dãy Trường Sơn xuống gây khô nóng, làm cho
ao hồ, đập khô cạn, cây cối héo khô. Từ tháng 8 đến tháng 10 thường có mưa bão
gây khó khăn trong việc sinh hoạt và sản xuất cho nhân dân.
Mùa lạnh bắt đầu từ
tháng 11 đến tháng 3 năm sau, mùa này có gió mùa Đông Bắc gây rét, nhiệt độ xuống
thấp khoảng 5 - 70C, có mưa phùn rải rác cũng ảnh hưởng lớn đến đời
sống của nhân dân.
3. Tài nguyên
Là một xã vùng núi
nên Kim Thành có nguồn tài nguyên khá phong phú. Đất đai phân bổ trên nhiều dạng
địa hình khác nhau nên có đặc điểm khác nhau. Trong đó gồm các loại đất chính
là: Đất Feralit đỏ vàng phát triển trên đá phiến sét với 1.070,89 ha tập trung
chủ yếu ở các giãy núi cao; đất Feralit đỏ vàng bị xói mòn có 230 ha tập trung ở
các đồi núi; đất phù sa ngòi suối có 460,41 ha; đất dốc tụ có 310,7 ha và có
219,23 đất khác. Với nhiều loại đất khác nhau đã tạo điều kiện thuận lợi để xã
phát triển kinh tế đa giạng vừa sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước, hoa màu và
trồng cây nguyên liệu.
Xã Kim Thành có diện
tích rừng khá lớn với 1.600 ha, trong đó rừng tự nhiên có 200 ha, rừng trồng có
1.346,69 ha. Kim Thành trước đây là vùng núi non hiểm yếu, “rừng thiêng nước độc”
với mảng thực vật phong phú gồm nhiều loài gỗ quý như: lim, táu, dổi, vàng tâm,
lát hoa…; nơi sinh sống của nhiều loài động vật quý hiếm như: khỉ, vượn, voi, hổ,
báo, chim, trĩ, gà rừng, lợn rừng, gấu… Ngoài ra, còn có nhiều loại thuốc như:
thiên niên kiện, hà thủ ô, y dĩ, sa nhân… Rừng không chỉ là nơi cung cấp nguồn
thực phẩn (thịt các loài thú), các loại rau, măng phục vụ hàng ngày cho nhân
dân mà rừng ở đây còn có vị trí chiến lược quan trọng, được một số quan lại các
triều đại phong kiến chọn làm nơi đóng quân như: Đinh Lễ (một vị tướng của Lê Lợi)
đã chọn vùng đất Nhà Đũa - Động Đình lập căn cứ để đánh Thành Trài (Diễn Phong
- Diễn Châu) trong cuộc kháng chiến chống
quân Minh (năm 1424); là căn cứ của tướng công Hà Tông Đạt (quan thần nhà hậu
Lê) theo Lê Duy Mật về vùng múi Nghệ An để lập vương triều. Đồng Thông cũng là nơi
đặt đại bản doanh của nhà yêu nước Nguyễn Xuân Ôn. Trong hai cuộc kháng chiến
chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ vùng Nhà Đũa - Động Đình là căn cứ của huyện
Yên Thành, nơi cất giấu, dự trữ lương thực, thực phẩm để chi viện cho chiến trường.
4. Giao thông
Đường giao thông xã
Kim Thành trước đây đi lại khá khó khăn do ở xa trung tâm huyện. Đường chủ yếu
là các lối mòn nhỏ mèn theo các triền núi, cây cối mọc um tùm sau được mở rộng.
Nhất là từ năm 1962, khi xã viên các hợp tác xã ở Viên Thành, Nhân Thành, Hợp
Thành, Hoa Thành, Long Thành đã lên đây cày trại thành lập các nông trang thì
đường giao thông đi lại được quy hoạch có hệ thống nhưng cũng chủ yếu là đường
đất. Ngày nay, thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, hệ thống đường giao
thông liên huyện, liên xã, liên xóm được đầu tư mở rộng và bê tông hóa nhựa
hóa. Hiện nay, xã có 4 km Quốc lộ 48E chạy qua, 25,3 km trục đường chính, 24,09
km đường thôn xóm và 14,25 km đường nội đồng đã được bê tông hóa. Việc đi lại của
nhân dân thuận tiện hơn.
Nhìn chung Kim
Thành là xã miền núi, điều kiện để phát triển kinh tế khó khăn, chỉ có một số
diện tích đất đồi núi thuận lợi cho việc trồng cây nguyên liệu. Nhân dân đã biết
tận dụng và phát huy để tạo ra giá trị kinh tế cao. Hiện nay, nhân dân bắt đầu
thực hiện dự án trồng đào phai trên diện rộng để góp phần xóa đói, giảm nghèo
tiến lên làm giàu chính đáng trên quê hương yêu dấu.